Giàn trưởng Đỗ Cảnh Toàn: "Trên bước đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng"

23/05/2022

Đỗ Cảnh Toàn là Giàn trưởng giàn khai thác Đông Đô thuộc cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô, nằm trong Lô 01-97&02-97, bể trầm tích Cửu Long, cách bờ biển Vũng Tàu hơn 120 km về phía đông. Câu chuyện kể về anh kỹ sư tự động hóa không ngừng phấn đấu, đi lên từ những công việc nhỏ nhất và giờ đây là một giàn trưởng bản lĩnh, quyết đoán.

Nỗ lực học hỏi, vươn lên

Tốt nghiệp chuyên ngành Điện - Tự động hóa, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, về Dự án 01-97&02-97 thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) năm 2017, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiên tiến, như cá gặp nước, kỹ sư trẻ Đỗ Cảnh Toàn luôn nung nấu ý chí tự học hỏi để làm chủ công nghệ khai thác dầu khí hiện đại của nước ngoài. Công việc là một guồng máy khổng lồ mà muốn nắm bắt được thì không có cách nào khác là phải tự tích góp kinh nghiệm từ thực tế trên giàn, cũng như từ việc nghiên cứu trên các mô hình khai thác khác nhau của nước ngoài.

Anh Đỗ Cảnh Toàn (bên phải) trao giải thưởng an toàn quý 1/2022 cho tàu dịch vụ

Anh Toàn bồi hồi nhớ lại, ngày 6/6/2014 là ngày đón dòng dầu đầu tiên của mỏ Thăng Long sau nhiều ngày tháng vất vả với công tác khoan giếng, lắp đặt giàn khai thác và chạy thử. Khi đó anh là kỹ sư mới vào nghề, vừa chuyển sang làm việc cho Công ty Điều hành chung Lam Sơn JOC sau khi hoàn thành công việc lắp đặt và chạy thử cùng Công ty PTSC POS. Là người trực tiếp mở giếng đầu tiên của mỏ, chứng kiến thời khắc ngọn đuốc bật sáng báo hiệu dầu lên, anh em ôm nhau ăn mừng như những đứa trẻ và có cả những giọt nước mắt hạnh phúc mừng nhiệm vụ bước đầu hoàn thành trước kế hoạch mà lãnh đạo giao phó. Dòng dầu hội tụ sự sáng tạo, nỗ lực, tinh thần tập thể và những chỉ đạo sát sao của người đứng đầu. Cảm xúc được đón dòng dầu đầu tiên ấy đã đọng lại trong tâm trí anh, thúc đẩy anh nỗ lực học hỏi, kiên nhẫn để vươn lên. Với phương châm “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, kinh qua nhiều vị trí, từ kỹ sư lắp đặt chạy thử đến đốc công điện tự động hóa Công ty Lam Sơn JOC, đốc công vận hành - khai thác tại Dự án Lô 01/97&02/97 và giờ đây là giàn trưởng Dự án Lô 01/97&02/97, anh cùng đồng đội đã “làm chủ” được công nghệ vận hành giàn khai thác sừng sững giữa ngàn trùng sóng gió.

Với vai trò của một giàn trưởng, anh Đỗ Cảnh Toàn phải quản lý toàn bộ hoạt động vận hành, khai thác, bảo trì, bão dưỡng sửa chữa của hai giàn đầu giếng cùng một tàu chứa và xử lý dầu với 80 nhân sự thường trực. Anh Toàn chia sẻ, ngành công nghiệp dầu khí là lĩnh vực áp dụng kỹ thuật công nghệ cao và trình độ quản lý hiện đại. Trên các công trình dầu khí biển luôn đặt an toàn lên hàng đầu, gần như là tuyệt đối. Bởi thế, việc tự ý thức chấp hành nghiêm túc kỷ luật đảm bảo an toàn cho con người, môi trường và tài sản là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Một ca làm việc bình thường có tổng thời gian 12h/ngày trong cường độ cao, sự căng thẳng và tập trung luôn đẩy lên cao trào, bởi vì mỗi hành động của một cá nhân là sinh mạng của tất cả anh em, khối tài sản rất lớn của Nhà nước gửi gắm vào mỗi người công nhân dầu khí. Khi một sự cố dù nhỏ xảy ra, để đảm bảo dòng dầu liên tục chảy, anh em có khi phải làm việc 24/24h không ngừng nghỉ, có những người xong công việc tay run còn không cầm nổi đũa để gắp đồ ăn.

Làm việc trên công trình biển tính đến nay đã hơn 15 năm, Toàn cùng anh em đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật có giá trị tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Điển hình là sáng kiến “Dùng xung lực để phá vỡ cặn bám tại trục và cánh bơm điện chìm bị kẹt”. Nhóm tác giả đã đưa ra cách sử dụng xung lực ngược/xuôi để phá vỡ cặn trên cánh bơm, giúp bơm điện chìm trở lại hoạt động bình thường mà không tốn nhiều chi phí. Sáng kiến này đã tiết kiệm được chi phí thuê giàn khoan và thuê nhà thầu phụ khắc phục sự cố, tổng giá trị làm lợi khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Đằng sau những hào quang

Khi nghe tới dầu khí, đa phần người ta cho rằng người làm ở đó lương cao, chế độ đãi ngộ tốt... Tất cả các liệt kê trên đều đúng, đều là sự thật. Nhưng phía sau đó khó có thể diễn tả hết những khó khăn và thách thức mà những người lao động dầu khí trên các công trình biển đã và đang trải qua để giữ cho công trình vận hành an toàn, đảm bảo sản xuất. Cùng với đó còn có những khoảng lặng đặc thù của công việc. Đó là những thiệt thòi khi phải làm việc xa gia đình, xa đất liền. Khi đã nhận ca ngoài biển, anh em thường bảo nhau quên hết nỗi lo trong bờ để tập trung cho công việc, kể cả khi cha mẹ mất, vợ con ốm đau cũng phải chờ có phương tiện mới về được. Bản thân anh Toàn khi bố mất cũng không được ở bên trong giây phút sinh ly tử biệt vì đang công tác ngoài biển.

Ban lãnh đạo Dự án Lô 01.97&02.97 cùng CBNV tại giàn Thăng Long - Đông Đô

Trong năm 2020 và 2021, do tác động của dịch Covid-19, có những thời điểm giá dầu giảm rất sâu, đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất của PVEP, của toàn ngành Dầu khí. Để tiết kiệm chi phí, lãnh đạo PVEP đã rất trăn trở và động viên anh em đổi ca làm việc bằng tàu thay vì máy bay. Việc di chuyển bằng tàu trên biển 16 tiếng từ bờ ra đến giàn khoan và ngược lại khiến cán bộ, công nhân viên khá mệt mỏi, đặc biệt là khi thời tiết xấu, có những lần sóng cao 3-4m, anh em say sóng, không ăn, không ngủ được. Khi có lệnh giãn cách xã hội, việc đổi ca ngoài biển kéo dài hơn so với ca làm việc bình thường gấp nhiều lần. Về đến bờ rồi cũng không thể ở bên gia đình mà phải vào các khu cách ly để đảm bảo an toàn khi trở lại mỏ làm việc. Có những người hơn một năm không được về với người thân và gia đình, có nhiều người phải kiêm nhiệm thêm nhiều vị trí, làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường, chưa kể đến nỗi lo lắng cho sự an toàn của gia đình ở xa.

Là một giàn trưởng, ngoài việc đảm bảo hiệu suất công việc, anh Toàn tự ý thức được trách nhiệm, động viên tinh thần, rèn luyện thể thao nhằm nâng cao thể chất cho anh em. Và thật không ngoa khi nói cán bộ, công nhân trên mỏ là những “chiến binh thầm lặng” bám biển. Họ mang trong mình bản lĩnh và tinh thần của người dầu khí, đồng lòng chia sẻ khó khăn với Tổng Công ty để cùng thắp sáng tinh thần và thắp sáng niềm tin, giữ cho ngọn đuốc Biển Đông ngời sáng.

Anh Toàn chia sẻ, điều may mắn đối với anh em mỏ Thăng Long - Đông Đô là lãnh đạo PVEP đều là những người bản lĩnh, từng trải, nên luôn thấu hiểu những khó khăn đặc thù của ngành và tạo điều kiện tối đa cho anh em làm việc ngoài biển, những gì tốt nhất, ưu ái nhất cũng được dành để động viên tinh thần anh em. Dù trong một số thời điểm rất khó khăn, cán bộ, công nhân viên vẫn được lãnh đạo PVEP chăm lo về sức khỏe và đời sống, trực tiếp thăm hỏi kịp thời đến cá nhân và gia đình, luôn là hậu phương vững chắc để anh em yên tâm công tác.

Giàn đầu giếng mỏ Đông Đô

Giàn trưởng Đỗ Cảnh Toàn cho biết, thành công của anh có được hôm nay không chỉ nhờ kiến thức, sự nỗ lực của bản thân, còn là sự đoàn kết của cả tập thể, tầm nhìn và sự tin tưởng của lãnh đạo PVEP. PVEP sở hữu trữ lượng dầu khí lớn nhất trong số các công ty dầu khí ở trong nước, với gần 50% tổng trữ lượng dầu khí quốc gia với trữ lượng dầu ở nội địa đạt mức 1,6 tỷ thùng dầu quy đổi. Với mục tiêu thăm dò khai thác dầu khí an toàn, hiệu quả, PVEP lấy con người làm trọng tâm, đề cao công tác đào tạo.

Anh Toàn tự hào nói rằng: ‘‘Chính sách của PVEP có một điều đặc biệt để thu hút các bạn trẻ, đó là chính sách đào tạo liên tục hằng năm. Trên cương vị của một giàn trưởng và những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình học tập và làm việc thực tế, chúng tôi lựa chọn cho các em những khóa học nâng cao tay nghề bổ ích và thiết thực nhất, hướng cho các em tìm đến giá trị đích thực và cốt lõi của ngành trong một môi trường năng động và được lãnh đạo tạo điều kiện tối đa để học hỏi’’. PVEP đã xây dựng chương trình đào tạo nội bộ sâu rộng cho những người làm việc trực tiếp ngoài giàn. Và hằng tuần cùng nhau đưa ra một đề tài về kỹ thuật để thảo luận, lắng nghe các sáng kiến từ các bạn trẻ, để cùng nhau tìm ra cách làm tốt nhất, tiết kiệm nhất và hiệu quả cao nhất. Những điều đó đã giúp tạo ra những giá trị khác biệt của PVEP, với kiến thức, trình độ và kinh nghiệm không ngừng được tích lũy và phát triển. Con người PVEP hội đủ những nét tính cách đặc trưng, luôn phấn đấu hướng tới tính chuyên nghiệp, tiếp thu và ứng xử phù hợp với môi trường lao động quốc tế.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 498