Tổng giám đốc PVEP chia sẻ quan điểm về chuyển dịch năng lượng ngoài khơi tại Hội nghị OSEA 2024

22/11/2024

Trong các ngày từ 19 – 21/11/2024  tại Marina Bay Sands, Singapore đã diễn ra Hội nghị và Triển lãm Offshore Southeast Asia (OSEA) 2024 với sự tham gia của hơn 12,000 chuyên gia từ 500 tổ chức,  54 quốc gia khác nhau. Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cùng đoàn công tác đã tham dự và có những chia sẻ quan trọng tại sự kiện quy mô hàng đầu của ngành công nghiệp dầu khí và năng lượng trong khu vực Đông Nam Á lần này.

OSEA (Offshore Southeast Asia) là hội nghị và triển lãm quốc tế hàng đầu dành cho ngành công nghiệp dầu khí và năng lượng trong khu vực Đông Nam Á, được tổ chức mỗi 2 năm. Được thành lập từ năm 1976, OSEA đã trở thành diễn đàn quan trọng cho các chuyên gia, nhà khoa học, và doanh nghiệp trong ngành năng lượng thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức trong lĩnh vực khai thác và sản xuất năng lượng ngoài khơi. Không chỉ cung cấp các cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất, mở rộng mạng lưới liên kết chuyên nghiệp, OSEA còn thúc đẩy các mối quan hệ đối tác chiến lược, qua đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này trên toàn cầu.

Chủ đề của OSEA 2024 là "Integrating Offshore Energy Transition with Market Opportunities", nhấn mạnh vào việc hội nhập các xu hướng chuyển đổi năng lượng với các cơ hội thị trường mới nổi. Hội nghị này sẽ tập trung vào các phiên thảo luận về sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi và các giải pháp bền vững cho ngành năng lượng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng sạch ngày càng tăng cao và các cam kết tăng cường giảm phát thải carbon trong ngành năng lượng toàn cầu.

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam phát biểu tại OSEA 2024

Tham dự sự kiện, Tổng Giám đốc PVEP – Ông Trần Hồng Nam đã có bài diễn thuyết mở đầu cho Hội nghị với chủ đề "The Offshore Energy Transition Report Card", điểm lại các điểm nhấn quan trọng của ngành năng lượng trong hai năm qua. Tổng Giám đốc PVEP cho biết, các dữ liệu mới nhất từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng cao, đặc biệt là từ các ngành công nghệ mới như AI và vận hành các trung tâm dữ liệu. Theo dự báo của Wells Fargo,  nhu cầu điện năng cho AI dự kiến sẽ tăng vọt lên 550% vào năm 2026 so với mức của năm 2024, và tiếp tục tăng thêm 1150% lên 652 TWh vào năm 2030, tương đương với hơn 16% tổng nhu cầu điện hiện tại của Hoa Kỳ.

Đối với riêng khu vực ASEAN, nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng hơn 30% vào năm 2035 và tăng hơn 66% vào năm 2050, trong đó, hơn 50% lượng tăng trưởng này đến từ nhiên liệu hóa thạch. Tỷ trọng đóng góp của nhiên liệu hóa thạch trong tổng nguồn năng lượng chỉ giảm từ 78% hiện tại xuống con 65% vào năm  2050. Những con số này cho thấy những rủi ro về an ninh năng lượng mà ASEAN phải đối mặt do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các nguồn nhiên liệu hóa thạch này phải nhập khẩu từ ngoài khu vực. Để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, ASEAN một mặt đang tích cực đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ để khai thác dầu khí trong khu vực, mặt khác cũng tăng cường việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt tận dụng các lợi thế từ nguồn năng lượng ngoài khơi.

Đông Nam Á, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đã đạt được sự đồng thuận mạnh mẽ về việc phát triển năng lượng bền vững. Điều này được thể hiện qua cam kết không ngừng của các quốc gia trong khu vực tại các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 và 28, nơi ASEAN đã cam kết mạnh mẽ hơn nữa để chống lại biến đổi khí hậu. Các quốc gia như Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời, không chỉ để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn để đảm bảo một tương lai bền vững hơn cho thế hệ tiếp theo.

Trong quá trình chuyển dịch năng lượng,  ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chi phí vốn cao để triển khai năng lượng tái tạo, các thách thức công nghệ trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, sự thiếu hụt và phức tạp về quy định và chính sách không nhất quán, cũng như sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng như lithium và cobalt. Để giải quyết những vấn đề này, nhiều nhóm giải pháp đã được đề xuất, trong đó, sự hợp tác khu vực đang được thúc đẩy để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tối ưu hóa nguồn lực, với mục tiêu không chỉ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ thúc đẩy năng lượng sạch mà còn củng cố an ninh năng lượng cho toàn khu vực, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.

Tổng kết bài phát biểu của mình , Tổng giám đốc Trần Hồng Nam nhấn mạnh, quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, tuy nhiên cần được triển khai với tiến độ phù hợp,  với trọng tâm là 3 mục tiêu: đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả và tiếp cận phù hợp với đa số người dân, và bảo vệ môi trường một cách bền vững. Trong bối cảnh hiện tại, khí tự nhiên vẫn đóng vai trò là nguồn nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng, không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng mà còn hỗ trợ giảm thiểu phát thải hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời, gió và các công nghệ mới như hydro, lưu trữ CO2 (CCS/CCUS) cũng cần được đẩy mạnh. Đây là con đường duy nhất tiến tới tương lai năng lượng bền vững đề vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường, hành tinh sống cho các thế hệ tương lai.

Một số hình ảnh của Tồng Giám đốc PVEP tại OSEA 2024:

 

Lượt truy cập: 11