Tái tạo động lực cũ, thúc đẩy động lực mới để PVEP phát triển bền vững

13/02/2024

Năm 2023, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã xuất sắc hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu được giao, đặc biệt ở 2 chỉ tiêu về sản lượng khai thác và gia tăng trữ lượng, những chỉ tiêu trọng yếu, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của PVEP. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hồng Nam, Tổng Giám đốc PVEP về những định hướng phát triển trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, năm 2023 được đánh giá là năm thắng lợi toàn diện của PVEP khi tổng công ty đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, về đích sớm nhiều chỉ tiêu, kế hoạch được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có chia sẻ gì về điều này?

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam

TS Trần Hồng Nam: Năm 2023 là năm rất có ý nghĩa đối với PVEP với nhiều dấu mốc quan trọng. Vào tháng 2, PVEP đã cán mốc tổng sản lượng khai thác cộng dồn 1 tỉ thùng dầu. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò của đơn vị chủ lực, cốt lõi thuộc ngành Dầu khí, điều không phải nhiều công ty dầu khí trong khu vực hay có cùng quy mô có thể đạt được.

Cùng với đó, PVEP đã có năm 2023 thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng khai thác, gia tăng trữ lượng, các chỉ tiêu về tài chính. PVEP cũng lập thành tích 14 năm liên tục hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu khí. Điểm đáng chú ý là việc kết quả về sản xuất của PVEP thực sự rất “chất lượng”. Chất lượng ở đây là việc PVEP đã kiểm soát suy giảm sản lượng khai thác ở mức 1% trong bối cảnh các mỏ đang suy giảm tự nhiên 10-15% mỗi năm. Lần đầu tiên sau 7 năm, hệ số bù trữ lượng trong năm 2023 cũng lớn hơn 1, tạo tiền đề để PVEP gia tăng sản lượng khai thác ổn định, hiệu quả. Kết quả gia tăng trữ lượng cũng đạt chất lượng cao, khi lần đầu tiên có giếng đưa vào khai thác ngay (giếng Bunga Lavatera-1X, Lô PM3-CAA) và 96% gia tăng trữ lượng sẽ được đưa vào khai thác chậm nhất trong năm 2026.

Năm 2023 cũng là năm công tác tài chính của PVEP đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ số tài chính của PVEP ngày càng được cải thiện, duy trì chính sách tài chính để phát triển bền vững, chỉ số sinh lời của tài sản (ROA) >10%, chỉ số khả năng sinh lời (ROE) >15%, chỉ số lợi nhuận ròng (ROS) >15%. Đặc biệt, năm 2023, PVEP có mặt trong Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023. Đồng thời, năm thứ 10 liên tiếp PVEP được xếp hàng Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.

PV: Theo ông, những kết quả, thành tựu đó có ý nghĩa như thế nào đối với PVEP, đặc biệt là việc duy trì sản lượng và bảo đảm gia tăng trữ lượng?

TS Trần Hồng Nam: Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm của Petrovietnam cũng như của PVEP. Thành công trong năm 2023 là cơ sở, tiền đề để PVEP thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đối với bất kỳ một công ty dầu khí, để phát triển bền vững bên cạnh việc duy trì, gia tăng sản lượng khai thác, bắt buộc phải có nguồn trữ lượng, phải có các chương trình tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng nhằm gia tăng trữ lượng để làm nguồn khai thác trong tương lai.

Trong năm 2023, sau rất nhiều nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động PVEP không ngại khó khăn, không ngừng trăn trở để có những giải pháp giúp gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng, đạt hệ số bù lớn hơn 1. Từ đó mang đến kết quả bền vững cho PVEP các năm tiếp theo.

Người lao động PVEP làm việc trên giàn khoan

PV: Chúng ta vẫn nói hoạt động của lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí giờ giống như chuyện đi “mót khoai”, củ khoai to thì đã được lấy, được khai thác, chỉ còn những củ khoai nhỏ. Phải chăng PVEP đã tìm ra lời giải cho câu chuyện này, thưa ông?

TS Trần Hồng Nam: Khó khăn lớn nhất của không chỉ PVEP mà còn của Petrovietnam hiện nay là vùng hoạt động truyền thống của Việt Nam nói chung ngày càng thu hẹp, công tác triển khai tìm kiếm, thăm dò, khai thác tại các khu vực nước sâu xa bờ khó, cùng với đó không có dự án mới, ít đầu tư các dự án mới. Chính trong bối cảnh đó, Petrovietnam, PVEP đã đề ra phương châm hành động “làm mới động lực cũ” để thích ứng trong bối cảnh như hiện nay.

PVEP đã cho rà soát, đánh giá kỹ càng những dự án, mỏ hiện hữu để tìm ra cơ hội, tập trung khoan thăm dò tại các khu vực đã có cơ sở hạ tầng nhằm rút ngắn thời gian đưa vào khai thác sau khi phát hiện dầu khí.

PVEP cũng đưa ra những cách tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ mới trong thăm dò, thẩm lượng. Điều này đã giúp giảm thiểu rủi ro trong khi tiến hành khoan. Bên cạnh đó, khi mà nguồn tài nguyên dầu khí không còn dồi dào thì PVEP đã tập trung quản lý chặt chẽ hơn. Quá trình tổ chức sản xuất cũng được tiến hành theo dõi, quản trị các dữ liệu rõ ràng, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu các giải pháp, chế độ khai thác đối với từng giếng, từng mỏ.

Những kết quả này đã giúp PVEP chặn được đà suy giảm sản lượng sau nhiều năm, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác và là cơ sở để PVEP hướng tới các mục tiêu khát vọng hơn, phát triển bền vững trong những năm tới.

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam kiểm tra hoạt động trên giàn Đại Hùng 01

PV: Như đã trao đổi, những kết quả đã đạt được trong năm 2023 sẽ là tiền đề, cơ sở cho PVEP hướng tới các mục tiêu “khát vọng” hơn cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Vậy mục tiêu của PVEP trong năm 2024 là gì, thưa ông?

TS Trần Hồng Nam: Năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Dầu khí nói chung, PVEP nói riêng. Tuy nhiên, PVEP vẫn đặt mục tiêu phấn đấu duy trì sản lượng khai thác ở mức tương đương năm 2023, chiến thắng được suy giảm tự nhiên, bảo đảm hệ số bù trữ lượng lớn hơn 1. Cùng với đó, nỗ lực để các chỉ tiêu tài chính minh bạch, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn đối với doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước.

Để bảo đảm duy trì gia tăng sản lượng và trữ lượng khai thác, PVEP sẽ tập trung triển khai các chương trình công tác khoan thăm dò thẩm lượng, tiến hành khoan đan dày, các giải pháp can thiệp giếng theo đúng kế hoạch đề ra. Song song với thi công thực địa, PVEP sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án phát triển mỏ, đặc biệt phấn đấu năm 2024 đưa Dự án Đại Hùng pha 3 vào khai thác nhằm đáp ứng sản lượng khai thác chung. Một số dự án trọng điểm khác như Sư Tử Trắng pha 2B, chuỗi Dự án khí Lô B… tiếp tục được quan tâm triển khai. Đây sẽ là những “động lực mới” của PVEP trong năm 2024.

Ngoài ra, PVEP sẽ thúc đẩy thủ tục hợp đồng dầu khí mới, gia hạn hợp đồng dầu khí và sẵn sàng để triển khai sớm công tác tận thăm dò, thăm dò mở rộng. Cụ thể, PVEP đã đề xuất với các cấp thẩm quyền liên quan sớm xem xét phê duyệt các đề xuất hợp đồng dầu khí mới, gia hạn hợp đồng dầu khí tại các Lô 15-2, 15-1, 16-1 và 09-2. Đây là các lô mỏ đang được PVEP vận hành khai thác hiệu quả, hằng năm mang lại lợi ích lớn cho kinh tế đất nước. Chỉ tính riêng Sư Tử Trắng pha 2B tại Lô 15-1 khi được đưa vào khai thác sẽ bảo đảm nguồn cung khí cho khu vực công nghiệp phát triển Đông Nam Bộ, mang lại nguồn thu ngân sách 1.500 tỉ đồng/năm.

Giàn Sư Tử Vàng (ảnh: Ngọc Phước)

Năm 2024, PVEP cần đặt ra các mục tiêu áp lực hơn so với năm 2023 để có động lực tăng trưởng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Petrovietnam cũng như phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để làm được điều đó, PVEP cần đổi mới công tác quản trị, cũng như đổi mới các động lực cũ, áp dụng khoa học công nghệ, sáng kiến sáng chế nhằm cải thiện nâng cao hiệu quả, sản lượng của các mỏ đang hiện hữu. Bên cạnh đó, phải tạo động lực mới bằng cách thúc đẩy phát triển các dự án mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án trong điều kiện kỹ thuật cho phép; nghiên cứu giải pháp tổ hợp các dự án để có phương án đầu tư phù hợp.

TS. Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam

 

PV: Phải làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới là bài toán đang được lãnh đạo Petrovietnam đặt ra đối với sự phát triển bền vững của Petrovietnam và các đơn vị trong thời gian tới. Xin ông cho biết, PVEP đã nhận diện điều này như thế nào?

TS Trần Hồng Nam: Đối với “làm mới động lực cũ”, PVEP đã nhận diện và tích cực triển khai thông qua việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, ứng dụng AI vào việc đánh giá, rà soát các cơ hội thăm dò thẩm lượng tại các lô dầu khí hiện hữu và rà soát khả năng tăng cường sản lượng khai thác ở các giếng khoan hiện hữu, các giải pháp tối ưu để can thiệp giếng.

Việc “bổ sung động lực mới” đối với PVEP chính là tìm kiếm những dự án, những cơ hội đầu tư mới trong lĩnh vực E&P. Thông qua việc thúc đẩy đầu tư tại các lô, mỏ, dự án tiềm năng, có điều kiện phát triển thì PVEP đã nghiên cứu đánh giá một cách cụ thể, chi tiết. Tiêu biểu như chuỗi Dự án khí điện Lô B khi PVEP tham gia vào các dự án thượng nguồn. Việc triển khai thành công dự án này sẽ giúp PVEP bảo đảm sản lượng khai thác trong nhiều năm tới cũng như bảo đảm nguồn thu cho PVEP tái đầu tư vào các dự án trọng điểm khác.

PV: Ông đánh giá như thế nào về PVEP trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay?

TS Trần Hồng Nam: Trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới luôn luôn tăng. Điều này có thể dễ thấy trong lịch sử khi dầu khí và các nguồn năng lượng cố gắng đáp ứng nhu cầu về năng lượng trên thế giới. Bất bình đẳng trong tiếp cận với các nguồn năng lượng cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều xã hội.

Trong quá trình đáp ứng nhu cầu về năng lượng cùng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu thì hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng carbon phải được kiểm soát, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng.

Có thể nói, kinh nghiệm trong các hoạt động dầu khí ngoài khơi từ các công ty dầu khí chính là nền tảng phục vụ tốt nhất cho việc tìm kiếm, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió ngoài khơi, năng lượng thủy triều hay như thu hồi và chôn lấp CO2 (CCS/CCUS). Trong đó, PVEP rất có lợi thế trong việc triển khai CCS/CCUS khi có điều kiện thu hồi, bơm CO2 vào các mỏ dầu khí để lưu trữ, đồng thời việc bơm CO2 vào các mỏ đang khai thác cũng là một giải pháp giúp gia tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ này, điều này cũng phù hợp với chiến lược giảm phát thải của PVEP đã và đang triển khai hiện nay.

Cùng với việc Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, ban hành các cơ chế về tín chỉ carbon thì CCS/CCUS sẽ là một ngành kinh doanh mới đầy tiềm năng mà các công ty dầu khí như PVEP có lợi thế lớn.

PV: Nhân dịp năm mới 2024 và cũng là để hướng tới những mục tiêu phát triển “khát vọng” hơn, ông có nhắn nhủ, chia sẻ gì với cán bộ, người lao động PVEP?

TS Trần Hồng Nam: Ngay trong bối cảnh không nhìn thấy có nhiều dự án mới, động lực mới cho phát triển thì tập thể người lao động PVEP đã tập trung trí tuệ, trăn trở vì công việc, thực hiện nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, làm mới động lực truyền thống, tạo cơ sở để PVEP phát triển bền vững. Từng tập thể, cá nhân đoàn kết vì mục tiêu chung, suy nghĩ tốt nhất cho công việc, rộng hơn là cho quốc gia dân tộc.

Trong tương lai, chắc chắn phải bổ sung các dự án mới, các động lực mới, ngành nghề mới, lĩnh vực mới, cơ hội mới, tương lai của công ty dầu khí truyền thống như PVEP còn rất nhiều sức phát triển phụ thuộc vào khát vọng của PVEP, của người làm nghề dầu khí. Sự tự tin về trí tuệ, bản lĩnh, tự hào về truyền thống của tập thể người lao động PVEP sẽ biến động lực thành kết quả để phát triển tổng công ty bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Năm 2023, các chỉ số tài chính của PVEP ngày càng được cải thiện, chỉ số sinh lời của tài sản (ROA) >10%, chỉ số khả năng sinh lời (ROE) >15%, chỉ số lợi nhuận ròng (ROS) >15%. Đặc biệt, năm 2023, PVEP có mặt trong Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023. Đồng thời, năm thứ 10 liên tiếp PVEP được xếp hàng Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam

 

Lượt truy cập: 268