PVEP: Sáng kiến, sáng chế đã trở thành động lực

17/06/2015
Từ trước đến nay, việc phát động phong trào “sáng kiến, sáng chế” là chuyện doanh nghiệp nào cũng làm nhưng để biến được những sáng kiến đó thành giải pháp, áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả hàng chục nghìn tỉ đồng thì không phải việc đơn giản. Báo Năng lượng Mới đã thực hiện cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, Phó tổng giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) về làm thế nào để những sáng kiến, sáng chế thực sự “tỏa sáng”.   

Kỳ tích tại mỏ Sông Đốc

PV: Chúng tôi được biết, trong khi các đối tác nước ngoài “bỏ của chạy lấy người” Tổng Công ty PVEP tự tin tiếp nhận và trực tiếp vận hành mỏ Sông Đốc và sau 1 năm đã khai thác được hơn 1 triệu thùng dầu, đem về cho đất nước hơn 100 triệu USD. Xin tiến sĩ vui lòng cho biết cụ thể về “kỳ tích” ấn tượng này?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Mỏ Sông Đốc được Liên doanh điều hành Trường Sơn (TS JOC) đưa vào khai thác từ cuối năm 2008. Sau 5 năm vận hành và khai thác không hiệu quả kinh tế như mong muốn, TS JOC đã dừng dự án và bàn giao lại mỏ Sông Đốc cho Chính phủ Việt Nam từ 24-11-2013.

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải

Được Chính phủ, Bộ Công Thương và PVN tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp nhận và trực tiếp vận hành mỏ Sông Đốc, với ý thức trách nhiệm chính trị, bằng tinh thần “dám nghĩ dám làm” của người dầu khí cũng như niềm tin vào năng lực của đội ngũ cán bộ, kỹ sư của mình, Tổng Công ty PVEP đã trực tiếp điều hành dự án với toàn bộ nhân lực trong nước. Và thực tế cho thấy PVEP đã có quyết định đúng với những giải pháp mang tính đột phá thành công tại Dự án Sông Đốc.

Cụ thể, ngay sau khi nhận bàn giao vận hành mỏ, PVEP đã khẩn trương triển khai xây dựng mô hình điều hành mới thiết lập lại quy trình phù hợp với Ban Phát triển Khai thác là đầu mối để thực hiện công tác vừa quản lý vừa điều hành dự án. Ban lãnh đạo PVEP đã có những chỉ đạo sâu sát quyết liệt nhằm đảm bảo vận hành mỏ an toàn, hiệu quả như đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ chính để giảm giá; rà soát lại nhu cầu về vật tư, thiết bị để tiết giảm mua sắm những vật tư không thật sự cần thiết, cắt giảm các chi phí gián tiếp. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt trọn niềm tin vào đội ngũ kỹ sư của mình, mạnh dạn sử dụng “nội lực”, đưa anh em vào thử lửa rồi dần tiến hành thay thế toàn bộ chuyên gia nước ngoài bằng cán bộ điều hành, kỹ sư người Việt Nam. Với việc tiến hành đồng bộ các biện pháp trên đã giúp PVEP giảm chi phí vận hành mỏ tới 15% và chi phí G&A (quản lý, hành chính) tới 50% so với TS JOC.

Cùng với tiết giảm chi phí, chúng tôi đã phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên có nhiều giải pháp nhằm hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí do đó đã tăng hiệu quả cho dự án. Trong đó, nổi bật là 2 sáng kiến “Nâng cấp chương trình điểu khiển máy nén khí Gas Lifr” và “Thay thế ống flexible điều khiển thủy lực cao áp tới các van an toàn trên đầu giếng bằng loại ống thép turbin 1/2 inch”. Hai sáng kiến trên đã làm lợi trực tiếp cho dự án 250.000USD. Các sáng kiến đã góp phần giảm thời gian dừng sản xuất (shut down) do lỗi kỹ thuật, góp phần đảm bảo thời gian sản xuất liên tục của mỏ Sông Đốc, không xảy ra bất kỳ một sự cố an toàn hay tai nạn lao động nào. Sản lượng khai thác sau 1 năm được chuyển giao từ TS JOC vẫn được duy trì ở mức 3.000 thùng dầu/ngày. Hơn thế nữa, thành công của PVEP trong việc tự vận hành mỏ Sông Đốc còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia.

PV: Thưa tiến sĩ, có hay không chuyện “ăn may” ở mỏ Sông Đốc khi các nhà thầu tham gia đầu tư đều cho rằng chúng ta không thể vận hành hiệu quả được?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Đúng là luôn tồn tại xác suất rủi ro và may mắn nhất định trong cuộc sống, nhưng không có chuyện “ăn may” trong thăm dò và khai thác dầu khí. Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng, với năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật và kinh nghiệm điều hành hiện nay, PVEP hoàn toàn tự tin điều hành khai thác tất cả các mỏ dầu trong khu vực thềm lục địa và Biển Đông. Mỏ Sông Đốc là mỏ dầu thứ 2 PVEP tiếp quản từ nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó năm 1999, chúng ta cũng đã được chứng kiến thành công rất lớn tại mỏ Đại Hùng khi nhận bàn giao từ BHPP (Australia), Petronas Carigali Oveseas (Malaysia). Sau gần 20 năm tự vận hành, mỏ Đại Hùng vẫn đang khai thác rất tốt, sản lượng ngày càng cao và trữ lượng cũng ngày càng tăng.

Nói đúng hơn là đối với thăm dò, khai thác dầu khí khả năng tài chính, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật và công nghệ có tính quyết định nhưng vẫn có một phần nhỏ yếu tố may mắn đối với từng cá nhân, từng trường hợp cụ thể. Nhưng may mắn dù xảy ra cũng không phải tự nhiên mà có, nó là phép cộng của cơ hội và sự chuẩn bị. Đằng sau sự may mắn đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ và xác suất may mắn chỉ lớn và xảy ra khi chúng ta đã có những bước đi phù hợp, quản trị tốt rủi ro và những tính toán chính xác.

Tổng Giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba, Algeria

“Bà đỡ” cho sáng kiến

PV: Là Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến (HĐSK) PVEP, tiến sĩ đánh giá như thế nào về phong trào sáng kiến, sáng chế tại tổng công ty?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Khai thác dầu khí là ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng chất xám cao và luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và kinh nghiệm hoạt động thực tế. Những thành quả từ nghiên cứu lý thuyết góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động sản xuất và ngược lại, những phát sinh và vấn đề thực tế vừa là áp lực nhưng cũng là động lực cho việc nghiên cứu và phát huy sáng kiến để giải quyết vấn đề. Với đặc thù như vậy thực tế ở Tổng Công ty PVEP không có một sáng kiến được công nhận nào thuộc dạng “làm xong rồi xếp vào ngăn tủ” mà đều được khuyến khích tạo điều kiện ứng dụng triển khai áp dụng ngay vào thực tế sản xuất.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo PVEP, phong trào sáng kiến sáng chế, hợp lý hóa sản xuất của PVEP đã lan tỏa sâu, rộng, nhận được sự hưởng ứng của toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) kể cả các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, trở thành nhân tố quan trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo của tổng công ty, đến tận từng bộ phận, phòng, ban, từng cơ sở sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, hoạt động sáng kiến của PVEP liên tục được hoàn thiện về tổ chức, đổi mới về phương thức hoạt động nên đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho CBCNV phát huy tinh thần lao động sáng tạo.

Các sáng kiến đều có chất lượng tốt, đã được áp dụng vào thực tế sản xuất của tổng công ty và các đơn vị thành viên, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích xã hội thiết thực. Những sáng kiến này còn góp phần khắc phục những khó khăn trong sản xuất, giảm thiểu thời gian phải dừng hoạt động, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như sáng kiến phương pháp kết nối (tie-in) mỏ tại Dự án Phát triển mỏ Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng của Thăng Long JOC với Tê Giác Trắng của Hoàn Long JOC của nhóm tác giả Công ty Liên doanh Điều hành chung Hoàng Long Hoàn Vũ (HLHV JOCs). Bằng việc sử dụng chung hệ thống công nghệ trong quá trình khai thác các mỏ gần nhau của 2 công ty đã mang lại lợi ích kinh tế khoảng 600 triệu USD cho các đối tác tham gia đầu tư. Giải pháp ứng dụng công nghệ ly tâm để tách nước trong dầu nặng tại Lô 67, Cộng hòa Peru cũng đã tiết kiệm được chi phí đầu tư so với công nghệ tàu FPSO truyền thống gần 5 triệu USD và tiết kiệm chi phí hoạt động hằng năm của công nghệ Centrifuge so với công nghệ truyền thống là 3 triệu USD/năm…

PV: Xin tiến sĩ cho biết rõ hơn về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐSK tại PVEP?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Người Việt Nam chúng ta rất thông minh, sáng tạo. Thực tế đã chứng minh điều này khi tìm kiếm các mỏ dầu trên biển khơi mênh mông, trên sa mạc Sahara hay trong rừng rậm Amazon xa xôi, công tác trên các giàn khoan khai thác hiện đại bậc nhất thế giới, công nhân kỹ sư Việt Nam luôn có ý thức sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả công việc. Vấn đề là làm thế nào để đưa những ý tưởng, kinh nghiệm của anh em trở thành sáng kiến, sáng chế với luận chứng, đầy đủ luận cứ có thể thuyết phục các nhà thầu, các nhà khoa học công nhận và hoàn thiện những ý tưởng đó thực sự thành “bí kíp” để làm lợi cho ngành Dầu khí, đất nước.

Nhà máy Xử lý dầu khí tại mỏ Bir Seba

Là người đã trực tiếp làm việc trên các giàn khai thác, các cơ sở sản xuất hơn 20 năm với rất nhiều sáng kiến sáng chế, hợp lý hóa sản xuất đã được công nhận, bởi vậy, hơn ai hết tôi hiểu rằng người làm kỹ thuật, có tư duy sáng tạo thường lại rất là hay “nản” khi “đụng” những thủ tục hành chính rườm rà. Họ có thể miệt mài ngày đêm trong tìm tòi sáng chế nhưng lại khó kiên nhẫn với việc hoàn tất những quy định giấy tờ cứng nhắc khô khan.

Để tháo gỡ trở ngại này, không dừng lại ở việc phát động, khuyến khích phong trào mà chúng tôi còn tổ chức tổng kết phong trào vào từng quý/năm để qua đó có dịp vinh danh các tác giả của các sáng kiến sáng chế cũng như đưa ra định hướng, giải pháp cho phong trào trong các quý/năm tiếp theo. Ngoài ra Hội đồng Sáng kiến (HĐSK) sẽ tổ chức họp ngay khi nhận được đơn yêu cầu công nhận sáng kiến của cá nhân, đơn vị mà không chờ đợi theo lịch xét duyệt theo từng quý như trước đây.

Bên cạnh đó HĐSK của PVEP chúng tôi đã xây dựng sẵn toàn bộ các biểu mẫu một cách đơn giản và thuận tiện nhất. Người có sáng kiến chỉ cần điền ý tưởng vào biểu mẫu gửi về cho chúng tôi qua thư, email. Đối với những sáng kiến có giá trị, HĐSK sẽ kịp thời có những hỗ trợ cần thiết, họp trực tuyến hướng dẫn cá nhân hoặc nhóm thực hiện đề tài hoàn thành các biểu mẫu, thu thập luận chứng… đến khi hoàn tất mới thực hiện in ấn một bộ hoàn chỉnh gửi trình HĐSK xem xét, phê duyệt và công nhận. Có thể nói HĐSK PVEP chúng tôi sẽ đồng hành thực hiện vai trò “bà đỡ” đối với sáng kiến của người lao động với tâm nguyện coi “thành công của anh em là thước đo giá trị của mình”.

Vinh danh người sáng tạo

PV: Hiện nay PVEP có phương thức đánh giá như thế nào về giá trị kinh tế của các sáng kiến, sáng chế trong thăm dò khai thác dầu khí?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: PVEP đã ban hành “Quy chế quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế” và “Quy trình xét duyệt sáng kiến cấp tổng công ty”, theo đó quy định các điều kiện, tiêu chí cụ thể cũng như trình tự xét duyệt sáng kiến. HĐSK đánh giá lợi ích kinh tế của sáng kiến căn cứ vào Biên bản áp dụng sáng kiến có xác nhận của đơn vị và toàn văn giải pháp mà trong đó các số liệu báo cáo phải cụ thể; phương thức tính toán và đơn vị tính phải rõ ràng; đơn giá dầu, khí, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phải được tham chiếu theo giá thị trường tại thời điểm áp dụng… Trường hợp cần thiết, HĐSK yêu cầu tác giả làm rõ hoặc cung cấp các bằng chứng như bản vẽ thiết kế, bảng ghi các thông số kỹ thuật, hợp đồng mua bán, chứng từ...

Trong các trường hợp đặc biệt, để có “cái nhìn đa chiều, 360o, khách quan”, HĐSK cũng đã lấy ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia đầu ngành đối với từng giải pháp, sáng kiến. Có những trường hợp chúng tôi còn giấu tên nhóm tác giả, đơn vị thực hiện để đảm bảo tính khách quan. Bởi vậy, từ năm 2012 đến nay, HĐSK đã xác định được tổng giá trị làm lợi do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp lên đến hơn 754 triệu USD (khoảng 16 nghìn tỉ VNĐ).

PV: Bên cạnh các phần thưởng, danh hiệu, tác giả các sáng kiến có còn nhận được “đãi ngộ đặc biệt” nào từ Tổng Công ty PVEP không, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Tính từ năm 2012 tới nay, PVEP đã khen thưởng các sáng kiến, giải pháp với số tiền hơn 50 nghìn USD (khoảng 1,2 tỉ VNĐ). Hằng năm, các tác giả sáng kiến và đơn vị có thành tích tiêu biểu trong phong trào sáng kiến sáng chế đều được PVEP vinh danh tại các hội nghị tổng kết hoặc các sự kiện lớn của tổng công ty, tại đó các tác giả được tổng công ty trao tặng giấy chứng nhận sáng kiến một cách trang trọng. Mặt khác, sáng kiến và phong trào lao động sáng tạo đã được PVEP đưa thành tiêu chí quan trọng và bắt buộc trong việc xét tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng đối với cá nhân và tập thể. Ngoài ra, thành tích về sáng kiến cũng là một yếu tố tích cực trong việc xem xét nâng lương, bổ nhiệm cán bộ.

Tôi nghĩ rằng ngoài lợi nhuận, tiết kiệm chi phí, quan trọng nhất của sáng kiến sáng chế là đem lại một tinh thần và môi trường làm việc tốt. Bởi để có sáng kiến là một quá trình từ yêu thích, trăn trở đến sáng tạo. Từ đó công việc đã trở thành niềm đam mê trong mỗi con người PVEP.

PV: Thưa tiến sĩ, nếu làm một phép tính thì dường như giá trị làm lợi so với giá trị tiền thưởng quá chênh lệch?

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải: Công bằng mà nói thì đúng là nếu tính toán giá trị quy ra tiền thì tỷ lệ tiền thưởng cho sáng kiến sáng chế rất nhỏ bởi đây là quy định của Nhà nước. Nhưng là một người trong nghề và cũng là một người đã đóng góp nhiều sáng kiến, tôi hiểu đối với những cây sáng kiến thì phần thưởng quan trọng nhất, ý nghĩa nhất là nhiều khi đó là “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” được công nhận giá trị, được tôn trọng, được tạo điều kiện để tỏa sáng. Điều này thì PVEP luôn thực hiện rất tốt hằng năm với những sự kiện, buổi lễ được tổ chức để vinh danh những cán bộ công nhân viên có sáng kiến sáng chế. Đồng thời những tác giả sáng kiến luôn được PVEP ghi nhận và đánh giá rõ trong suốt cả quá trình công tác.

Trong nghề thăm dò khai thác dầu khí chúng tôi, sự “thăng hoa tỏa sáng” của mỗi cá nhân có thể đến bất cứ lúc nào. Có những anh em có hàng chục năm tuổi nghề, đến “một ngày đẹp trời” bỗng đưa ra một sáng kiến mang lại lợi ích hằng trăm triệu USD như sáng kiến tiết kiệm 600 triệu USD về tie-in mỏ tại đề án phát triển mỏ Hải Sư Đen/Hải Sư Trắng với Tê Giác Trắng mà tôi đã đề cập ở trên... Sáng kiến và tên của người đó được ghi chép vào lịch sử và trường tồn cùng công nghiệp thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam và thế giới. Đó là vinh dự không tiền bạc nào có thể so sánh được.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi này.

Tính đến hết tháng 5-2015, HĐSK PVEP đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt 23 giải pháp và công nhận 21 sáng kiến cấp tổng công ty.

Năm 2012 PVEP có 3 sáng kiến, 2013 có 4 sáng kiến, năm 2014 có 12 sáng kiến và quý I/2015 đã có 2 sáng kiến được công nhận.

Trong số các sáng kiến của PVEP đã có 4 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn và 1 sáng kiến đoạt giải Ba giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2013.

Từ năm 2012 đến nay, HĐSK PVEP đã xác định tổng giá trị làm lợi do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp lên đến gần 754 triệu USD.

Nguồn: Báo Năng Lượng Mới 

Lượt truy cập: 334