Chuyện chưa biết về những “người dầu khí” ở Thái Bình

23/07/2024

Tháng 3-1975, dòng khí công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại Giếng khoan 61 (xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) và hình thành nên một tổ hợp công nghiệp tại miền đất còn rất nghèo khó này. Trong những ngày đầu gian khó đó, các cán bộ, kỹ sư thuộc Công ty Dầu khí I vừa cố gắng giữ nghề, vừa phải “tự xoay” để có thể lo miếng cơm manh áo cho gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Nhự, nguyên Vụ phó Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ kể lại quá trình khoan thăm dò

Sản xuất… thuốc pháo để nuôi nghề

Trong dịp kỷ niệm 65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Xuân Nhự, nguyên hàm phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ. Người cựu cán bộ của Đoàn 36K thuộc Liên đoàn 36 tại xã Vũ Lãm, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình (sau nhiều lần đổi tên và thay đổi địa giới hành chính nay là phường Trần Lãm, TP Thái Bình) kể lại kỷ niệm không nhiều người biết về một thời gian lao của ông và các cán bộ, nhân viên, người lao động, để giữ lửa nghề và cũng là thực hiện quyết tâm xây dựng ngành.

Tháng 9/1971, chàng tân kỹ sư tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Mỏ - Địa được phân công về công tác tại đoàn 36K thuộc Liên đoàn 36. Đoàn 36K là đoàn khoan nông khi đó chủ yếu khoan các giếng khoan 1200m nhằm nghiên cứu cấu tạo địa chất vùng đồng bằng sông Hồng. Ngay sau khi nhận công tác, ông được giao làm địa chất trưởng Giếng khoan 37 sâu 1200m.

Một thời gian sau ông được phân công về công tác tại phòng Kỹ thuật Đoàn 36K. Tại đây, ông tham gia theo dõi và chỉ đạo thi công các giếng khoan nông, sau đó làm địa chất trưởng giếng khoan 35 ở xã Giao Hồng (Giao Thủy, Nam Định). Sau khi Liên đoàn 36 chuyển về Thái Bình, ông về phòng Kỹ thuật Liên đoàn. Từ đó, Liên đoàn đã khoan thăm dò với các giếng khoan sâu từ 1700m đến trên 4000m.

Sau năm 1983, nhiệm vụ thăm dò dầu khí tại đồng bằng sông Hồng đã gần như dừng lại. Lúc này Công ty Dầu khí 1 có gần 2200 CBCNV trong đó trên 200 kỹ sư các loại và gần 1000 công nhân lành nghề gồm khoan, cơ khí và các nghề chuyên sâu về thăm dò dầu khí khác như địa vật lý giếng khoan, bơm trám xi măng, thử vỉa… Lúc này, một số ít kỹ sư và công nhân đã chuyển vào Liên doanh Vietsopetro, số còn lại vẫn rất nhiều. Trong bối cảnh đó, Công ty quyết định tổ chức cho CBCNV làm kế hoạch 3 để tự cứu mình và giữ gìn lực lượng cho tương lai của ngành.

Năm 1983, Công ty Dầu khí 1 thành lập Xưởng nghiên cứu Thực nghiệm, ông Nhự được cử làm xưởng trưởng. Xưởng lúc đó tập trung gần 100 cán bộ thuần kỹ thuật chủ yếu có trình độ kỹ sư và trung cấp, không có công nhân. Cơ sở vật chất không có gì có thể khai thác để làm kế hoạch 3. Mặc dù vậy lãnh đạo Xưởng đã quyết tâm đăng ký tự hạch toán nội bộ, tiền hành tìm việc để tự lo cho mình.

“Thời kỳ đó, lương và phụ cấp của Nhà nước rất ít ỏi, lãnh đạo Xưởng rất muốn tạo công ăn việc làm,để có thu nhập cho anh em. Vì nói gì thì nói, cứ động viên anh chị em quyết tâm giữ nghề, mà bụng đói thì rất khó…” - ông Nhự kể lại.

Cái khó ló cái khôn, sau một thời gian trăn trở, ông Nhự phát hiện ra một công việc mà có thể sử dụng “chất xám” của anh em kỹ sư, đồng thời cũng là một thứ hàng hóa rất “hot” thời bấy giờ. Đó là tham gia vào quy trình sản xuất… pháo nổ, cụ thể là nguyên liệu làm thuốc pháo: điện phân KCl (kalyclorua) thành KClO3 Kalyclorat) để cung cấp cho trung tâm sản xuất pháo nổ của Miền Bắc lúc đó là làng Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây cũ). Bằng trình độ đại học, các kỹ sư đã mày mò nghiên cứu để có quy trình công nghệ hợp lý mang lại năng suất và chất lượng cao. Đến nỗi dân làm pháo làng Bình Đà cứ thấy thuốc pháo của “Dầu khí” là xuýt xoa tranh nhau mua và ưu tiên cho làm thuốc ngòi nổ.

Với cái đầu tính toán không thua một CEO, ông Nhự không bán thuốc lấy tiền mặt mà giao dịch bằng… hàng đổi hàng. Để được lợi nhiều nhất, ông chọn thời gian đổi là vào đầu năm thay vì cuối năm. Vì nếu vào tháng Chạp, 1 cân kaliclorat chỉ đổi được 1 bánh pháo thành phẩm, còn sang tháng Giêng, tháng Hai thì được hẳn 2 bánh, để đến cuối năm chất lượng vẫn rất tốt và giá thành lại tăng gấp đôi mỗi bánh vậy là một thành 4.

Khu lưu niệm Công trình dầu khí đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, lợi nhuận của xưởng thuốc pháo còn tiếp tục được gia tăng, khi ông Nhự thực hiện việc đổi phân kali. Số là trên thị trường khi đó có 2 loại phân là kali trắng và kali đỏ giá tương đương nhau, nhưng nông dân rất ưa chuộng kali đỏ, sẵn sàng đổi 2 kg trắng để lấy 1 kg đỏ. Trong khi đó hàm lượng kaliclorua của phân kali trắng cao gấp 1,5 lần phân kali đỏ.

Ông Nhự liền “đầu cơ” phân kali đỏ đổi cho hợp tác xã lấy kali trắng. Và nhờ cải tiến quy trình sản xuất nên 1kg nguyên liệu đã thu về 1,4 kg sản phẩm... Sau khi đổi kaliclorat lấy được hàng vạn bánh pháo, lãnh đạo Xưởng chia nhỏ ra nhiều nơi bảo quản, tránh trường hợp cháy nổ. Gần tết toàn bộ CBCNV tiến hành đóng gói, tự làm nhãn và dán nhãn...trong khi đó lãnh đạo Xưởng liên hệ giao pháo cho các đại lý, các HTX mua bán trong tỉnh... sát đến Tết, tất cả cán bộ công nhân viên đều được huy động để bán pháo...

Với nghề tay trái này, chỉ trong vài năm, Xưởng đã không chỉ đủ lương cho CBCNV mà còn tạo thu nhập gia tăng và có cả quỹ phúc lợi để CBCNV đi nghỉ mát...

Hơn nữa, cũng vì có thêm thu nhập cho gia đình mà anh chị em trong xưởng vẫn yên tâm giữ nghề. Sau đó lãnh đạo Xưởng còn tự mở lớp học ngoại ngữ, cử nhiều cán bộ tham gia…Nhìn lại quá trình vất vả những năm khó khăn nhất, ông Nhự tự nhủ mình đã hoàn thành nhiệm vụ giữ được nhiều cán bộ kỹ thuật để sau này tham gia vào công việc phát triển Ngành.

Kỹ sư Ngô Văn Kha tại Khu lưu niệm Công trình dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - cũng là nơi ông có hơn 40 năm gắn bó với ngành Dầu khí

Kỹ sư khí kiêm nghề… chăn bò

Kỹ sư Ngô Văn Kha (nguyên Giám đốc Công ty Dầu khí Thái Bình) vốn là một trong những “hạt giống đỏ” của ngành, được Nhà nước cử sang học Đại học Dầu khí tại “thủ đô dầu mỏ” Bacu (Azerbaijan). Sau 5 năm học tập, trở về nước ông được phân về công tác tại Xí nghiệp Khai thác khí (thuộc Công ty Dầu khí I). Tại đây, kỹ sư Kha được biên chế về công tác tại phòng Vận hành khai thác.

Có thể nói, những ngày đầu đưa mỏ khí Tiền Hải “C” vào khai thác là cực kỳ gian khó vì đây là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với những kỹ sư và thợ vận hành khai thác mỏ khí. Các thiết bị khai thác và phục vụ khai thác đều già cỗi, lạc hậu, được tận dụng từ quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ. Trạm xử lý khí trung tâm cũng là do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và lắp đặt.

Thời điểm đó mỏ khí Tiền Hải cũng chỉ cung cấp duy nhất cho turbine khí phát điện. Chiếc turbine này đã được sử dụng tại miền Nam một thời gian nên thi thoảng lại hỏng hóc.

Cơ sở vật chất thời kỳ ấy cũng hết sức nghèo nàn. Cả công ty chỉ có một dãy nhà cấp 4 chừng 10 phòng, mỗi phòng rộng hơn chục m2. Lương mỗi tháng được khoảng gần 300 đồng, một nửa cân thịt lợn và 21 cân gạo. Nhiều người còn cha mẹ già, con nhỏ nên anh em phải nghĩ đủ mọi cách để vừa giữ được nghiệp, mà cũng không để gia đình quá đói khổ.

Vậy là anh em bảo nhau tăng gia bằng cách nuôi bò, nuôi lợn. Bắt đầu từ một con bò nuôi từ lúc bé đến lớn, rồi sinh đẻ..., dần dà có cả một đàn. Số tiền lãi thu về đã cải thiện được đời sống cho anh em tiếp tục yên tâm theo nghề. Sau này thì sử dụng một phần khí thừa để nung vôi… Mãi về sau, Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải mới dần dần hình thành, nhiều công ty sản xuất gốm sứ, gạch… về quy tụ, đời sống anh em mới khá hơn.

Cũng theo ông Kha, tổng trữ lượng của mỏ khí Tiền Hải C là 1,3 tỉ m3, đã khai thác được hơn 700 triệu m3, quy ra tiền được 300 triệu USD. Và từ khi có các công trình dầu khí tại Thái Bình, cái được đầu tiên cho địa phương là giao thông. Có đường như có mạch máu kinh tế, không khí sinh động vui tươi, người dân hy vọng có gì đó đổi mới.

Khi phát hiện ra khí, một loạt các doanh nghiệp được thành lập. Mỏ khí được coi là “máy cái” của KCN. Thời đó, giá trị gia tăng ở KCN Tiền Hải là cao nhất tỉnh Thái Bình. Khi có khí thì mọi loại hình công nghiệp đều phát triển mạnh, ngay cả với các doanh nghiệp không cần đến khí và đã thu hút được nhiều lao động đến KCN Đông Cơ - Tiền Hải.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 124