TIN THỊ TRƯỜNG: NHU CẦU TIÊU THỤ DẦU THÔ THẾ GIỚI TĂNG NHẸ, BẤT CHẤP DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH PHỨC TẠP

19/04/2021

OPEC trong báo cáo thị trường (MOMR) tháng 4 tăng nhẹ dự báo tăng trưởng thêm 190.000 bpd lên 96,46 triệu bpd (+5,95 triệu bpd so với năm 2020, khi sụt giảm tới -9,5 triệu bpd). Lý do điều chỉnh tăng dự báo bao gồm: số liệu thống kê kinh tế vĩ mô cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn, nhiều nơi bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội, tiêm chủng vaccine rộng rãi. Tuy nhiên, nhu cầu trong quý II/2021 vẫn bị ảnh hưởng, giảm 520.000 bpd bởi làn sóng Covid-19 thứ 3 tại châu Âu, Ấn Độ.

Tin thị trường: nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới tăng nhẹ, bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo tháng 4 cũng tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2021 thêm 230.000 bpd so với tháng trước lên 96,7 triệu bpd, bất chấp tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp. IEA cho rằng, triển khai vaccine rộng rãi sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ từ quý III/2021.

Nhập khẩu dầu thô Trung Quốc quý I/2021 đạt 139 triệu tấn, tăng +9,5% so với cùng kỳ năm 2020, khí đốt – 40,6 tỷ m3 (+19,6%). Đáng chú ý, số liệu này chưa bao gồm khối lượng lớn dầu thô Iran, theo số liệu Refinitiv Oil Research, dầu Iran bắt đầu tuồn sang Trung Quốc từ cuối năm 2019 bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ, tuy nhiên, khối lượng đã tăng đáng kể từ cuối năm 2020, khi giá dầu thế giới vượt 60 USD/thùng và xuất hiện hy vọng chính quyền Tổng thống J. Biden mới sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Khối lượng nhập khẩu dầu thô Iran vào Trung Quốc từ tháng 11/2020 đến hết tháng 3/2021 đã tăng lên mức trung bình 557.000 bpd – bằng mức trước khi Mỹ rời thỏa thuận hạt nhân năm 2019, tương đương 5% tổng nhu cầu nhập khẩu nước này. Với mức chiết khấu lên tới 6-7 USD/thùng, dầu thô Iran đã đánh bật các đối thủ truyền thống như Brazil, Angola và cả LB Nga tại thị trường Trung Quốc.

Sản lượng khai thác LB Nga năm 2021 dự báo đạt trung bình 10,6 triệu bpd (-10.000 bdp). Tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch OPEC+ tháng 3 cũng được duy trì ở mức cao – 124%, bao gồm KSA cắt giảm tự nguyện 1 triệu bpd. Tính chung, cả OPEC+ đạt 113%.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 1411