GIÁ DẦU TUẦN QUA VÀ DỰ BÁO TUẦN TỚI

01/06/2020

Giá Brent (tháng 7) tuần giao dịch 25/05 – 29/05 đã giao động trong biên độ 34,64 – 36,44 USD/thùng, đóng cửa giao dịch ở mức 35,33 USD/thùng (tăng 48% trong tháng 5). Brent (tháng 8) trong ngày 29/05 tăng gần 5% lên mức 37,73 USD/thùng.

Tuần qua, phần lớn thời gian Brent biến động trong biên độ hẹp 34,6 – 36,0 USD/thùng, nhờ các tin hỗ trợ như: nhu cầu tiêu thụ dầu thô cải thiện, sản lượng khai thác của Mỹ, Canada giảm 3-4 triệu thùng/ngày, kỳ vọng kinh tế thế giới đã vượt qua đáy. Ngày 27/05 và 28/05 thị trường bị tác động bởi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, trữ lượng dầu thương mại Mỹ tăng 7,9 triệu thùng/tuần, đồng thời lo ngại về việc OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày từ 01/07 đã khiến Brent giảm mạnh (6%) xuống 34,33 USD/thùng. Cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Tổng thống Nga Putin và Thái tử Arab Saudi về việc 2 nước sẽ tiếp tục phối hợp đã phần nào trấn an thị trường.

Ngày 29/05, thị trường thở phào nhẹ nhõm sau khi Tổng thống D.Trump công bố các lệnh trừng phạt Trung Quốc nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự đoán, không ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại cũng như lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Mỹ mới chỉ có ý định trừng phạt một số quan chức Trung Quốc và Hong Kong, hạn chế cấp visa cho nghiên cứu sinh và một số nhà khoa học Trung Quốc nhằm chống lại gián điệp công nghệ.

Các yếu tố tác động tích cực đến giá dầu:

● Các nước tích cực mở cửa kinh tế, nới lỏng cách ly, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng;

● Hạn ngạch cắt giảm OPEC+ tuân thủ trên 90%, sản lượng khai thác Mỹ giảm 100.000 thùng/tuần;

● OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên hạn ngạch cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày ít nhất đến 01/09;

● Nhiều loại vaccine chống Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng;

● Các nền kinh tế EU, Nhật Bản, Mỹ tích cực bơm tiền kích cầu, giảm lãi suất;

● Số lượng giàn khoan hoạt động ở Mỹ tiếp tục giảm xuống còn 222 đơn vị;

● Tại thời điểm này, Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt TQ nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự báo.

Các yếu tố sau sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu tuần tới:

● Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung leo thang xung quanh Hong Kong, Đài Loan, Covid-19 và thực hiện giai đoạn 1 Thỏa thuận thương mại;

● Tiềm ẩn căng thẳng với Iran liên quan đến Venezuela;

● Dịch bệnh có bùng phát ở Brazil, Mỹ Latinh, Ấn Độ, Singapore và dấu hiệu tái bùng phát ở Hàn Quốc;

● Bạo loạn quy mô lớn ở Mỹ lan rộng;

● Trữ lượng dầu thương mại tại Mỹ tăng 7,9 triệu thùng/tuần do nhập hàng từ các tanker của Arab Saudi đang neo chờ, tuy nhiên, trữ lượng xăng giảm 720.000 thùng;

● Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt;

● Nghi ngờ thỏa thuận OPEC+ không được các bên thực hiện như hiệp ước.

Trong ngắn hạn, vấn đề kho chứa tạm lắng xuống, cụ thể: đáo hạn hợp đồng tương lai WTI tháng 5 không xảy ra bán tháo, contango 6 tháng đã giảm đáng kể từ 13,3 USD/thùng (vài tuần trước), giảm 3,3 USD/thùng, thị trường tanker trở về trạng thái cân bằng cung/cầu. Giá dầu trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào động thái cụ thể của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong và Covid-19, đồng thời mức độ phản ứng từ phía Trung Quốc. Theo nhận định của chúng tôi, nếu Mỹ không làm điều gì đó thật quá đáng, thì Trung Quốc sẽ chọn cách hòa giải.

Giá Brent tháng 8 sẽ giao động trong biên độ 35-40 USD/thùng​ vào tuần này

Ở phạm vi toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy các nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế LB Nga nói riêng dễ bị tổn thương. Chính phủ Nga cần thay đổi từ các biện pháp mang tính tượng trưng sang các biện pháp thực tế hơn để hiện đại hóa nền kinh tế vốn đang tiếp tục phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Vấn đề trọng tâm trước mắt của ​Chính phủ Nga là tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, do đó sẽ có ít nguồn lực và cơ hội mở rộng chính sách đối ngoại năng lượng.

Nguồn: Petrotimes

VPĐD tại LB Nga

Lượt truy cập: 58