'Dầu không có thì khuyến khích giời đi nữa cũng không ăn thua'

21/09/2022

Mục tiêu số một khi sửa luật Dầu khí là để thu hút đầu tư khi gần 6 năm qua Việt Nam chỉ ký được 2 hợp đồng dầu khí mới, song theo các chuyên gia, chính sách ưu đãi chỉ bằng thuế là không đủ.

 

Ưu đãi chỉ ở mức vừa phải

Trao đổi tại tọa đàm góp ý dự thảo luật Dầu khí sửa đổi diễn ra cuối tuần trước, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cho biết số lượng các dự án dầu khí ký mới đang giảm dần. Cụ thể, từ 2011 - 2015, PVEP ký 27 dự án dầu khí. 5 năm sau cộng thêm 8 tháng đầu 2022, mới ký được 2 dự án.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)

Nhưng đó chỉ là con số của PVEP. Khi báo cáo trước Quốc hội hồi năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tính toàn bộ ngành dầu khí giai đoạn 2009 - 2014 có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ 2015 - 2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng; 2 năm gần nhất (2020, 2021) không có hợp đồng nào.

Không chỉ ký hợp đồng mới khó, số lượng dự án đang hoạt động cũng “giảm rất nhiều”. Theo ông Trung, giai đoạn trước, PVEP có 70 dự án, nhưng đến hiện tại, số dự án còn hoạt động chỉ 35, nghĩa là giảm một nửa, khi trữ lượng thăm dò không đạt như kỳ vọng.

“Thu hút đầu tư mới thì khó, dự án cũ đang khó khăn do thiếu cơ chế”, ông Trung nói.

Thực tế nói trên là “động lực” chính để Chính phủ trình dự án luật Dầu khí sửa đổi sau 14 năm kể từ lần sửa đổi năm 2008.

“Nhiều thể chế không có trong luật Dầu khí hiện hành khiến nhiều hoạt động dầu khí không làm được”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói.

Một trong những thể chế được quan tâm nhiều nhất trong dự án luật Dầu khí sửa đổi là các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thêm các dự án dầu khí, bao gồm các mỏ cận biên.

Dự thảo luật Dầu khí sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đã có nhiều chính sách ưu đãi mà theo ông Hiếu, “Chính phủ cho rằng mức ưu đãi này đủ cạnh tranh”.

Dự thảo đưa ra mức thuế doanh nghiệp là 32%, thuế xuất khẩu dầu thô 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm đối với hợp đồng dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.

Đối với loại hợp đồng dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt, mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 25%, thuế xuất khẩu dầu thô chỉ còn 5% và mức thu hồi chi phí tối đa là 80%.

Đây là các mức ưu đãi cao hơn so với mức hiện tại.

Tuy nhiên, là công ty chuyên về khai thác, thăm dò dầu khí, theo ông Trung, mức ưu đãi nhằm thu hút đầu tư ở dự thảo luật Dầu khí sửa đổi dù đã được cải thiện, song mới “chỉ ở mức vừa phải”, nghĩa là không hề vượt trội so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

Theo Bộ Công thương, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.

“Khuyến khích giời đi nữa cũng không ăn thua”

Song, vấn đề không chỉ nằm ở chính sách thuế.

Phó tổng giám đốc PVEP nhấn mạnh phải nhìn nhận tiềm năng dầu khí của Việt Nam cũng chỉ ở mức vừa phải. Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm, khai thác tại Việt Nam đã diễn ra trong nhiều chục năm.

“Bây giờ còn lại là những vùng sâu, vùng xa, quy mô nhỏ, không còn lớn như trước mà chúng ta vẫn gọi là “mỏ cận biên”, ông Trung nói và nhấn mạnh khi không có tiềm năng thì “khuyến khích giời đi nữa, ưu đãi thuế má gì cũng không ăn thua”.

“Trong khi đó, nước cùng khu vực Malaysia chính sách ưu đãi tốt hơn và sản lượng khai thác của họ cũng cao gấp 4 - 5 lần so với Việt Nam. Ở các quốc gia Trung Đông, điều kiện thu hút cũng ít hơn nhưng người ta vẫn vào vì vào cái là có dầu”, ông Trung phân tích, và cho rằng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cần phải tính đến yếu tố thứ 2 là sự hài hòa với tiềm năng.

Từ đó, ông Trung kiến nghị dự Luật cần cho phép Thủ tướng quyết định các mức ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay cho các hợp đồng áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu, tránh lãng phí tài nguyên đất nước.

Thiếu cơ chế xử lý rủi ro

Một vấn đề khác, theo ông Trung, hiện thiếu cơ chế xử lý rủi ro trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Lấy ví dụ 70 dự án của PVEP đã triển khai, nay chỉ còn 35 dự án còn hoạt động, ông Trung cho biết, hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động đặc thù khi tính rủi ro cao, tỷ lệ thành công chỉ 15%. Đó là chưa kể tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian triển khai rất dài. "Xử lý chi phí cho 35 dự án không thành công cũng là vấn đề", ông Trung nói.

Ông Phan Quốc Bình (phải), Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Ông Trung cho biết, hiện PVN có một khoản “tài sản vô hình” để xử lý vấn đề này, song cơ chế lại chưa cho phép, chưa cho xử lý. “Điều này còn tạo ra rủi ro cho những người điều hành như chúng tôi”, ông Trung bày tỏ.

Ông Trần Hồ Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thì cho biết ở các nước khác, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác dầu khi có hợp đồng chia sẻ rủi ro với nhà nước.

“Ở mình thì rủi ro nhà thầu chịu 100%”, ông Bắc nói. Bên cạnh đó, ông Bắc cho rằng, dự thảo luật Dầu khí sửa đổi “đâu đó đã tiệm cận ở mức cạnh tranh về thuế”, song việc sửa luật rất lâu, mất cả chục năm trong khi các nước giao quyền cho Thủ tướng, các bộ rất lớn nên điều chỉnh các chính sách này rất nhanh.

Dự thảo luật Dầu khí sửa đổi quy định rất rõ nhà thầu chịu trách nhiệm mọi mặt về tài chính, kỹ thuật và tự chịu rủi ro.

TS Phan Minh Quốc Bình, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Dầu khí, đánh giá mức độ linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng dầu khí của Việt Nam vẫn có phạm vi hẹp trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí theo cơ chế thu hồi chi phí.

Từ đó, ông Bình đề xuất đa dạng hóa và linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí theo kinh nghiệm của Malaysia và Indonesia để cải thiện môi trường đầu tư.

Đối với các mỏ cận biên, tận thu, Hiệu trưởng Trường đại học Dầu khí đề xuất nên có hợp đồng chia sẻ rủi ro trong đó có nhiều ưu đãi hơn để giảm chi phí rủi ro cho nhà thầu.

Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, việc nâng mức thu hồi chi phí so với trước cùng với những cải cách về thể chế trong giải quy trình thủ tục đầu tư chính là một cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà nước với các nhà thầu dầu khí.

Dự án luật Dầu khí sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét lần cuối và biểu quyết thông qua tại kỳ họp 4 tháng 10 tới.

Source: thanhnien.vn

Lượt truy cập: 402