Công đoàn PVEP đồng hành cùng người lao động

01/11/2017

Giai đoạn 2012-2017, với nhiều hoạt động thiết thực, Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tiếp tục khẳng định là điểm tựa vững chắc của người lao động (NLĐ), là cầu nối tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí trong mọi hoạt động của tổng công ty (TCT), đồng hành thực hiện các giải pháp ứng phó với bối cảnh giá dầu xuống thấp, kéo dài. Nhân dịp Đại hội CĐ PVEP lần thứ III (nhiệm kỳ 2017-2022), phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Chủ tịch CĐ PVEP Nguyễn Văn Cư về những bí quyết vượt khó của “cánh chim đầu đàn” trong ngành Dầu khí. 

PV: Trước hết, xin ông cho biết một cách khái quát hoạt động của CĐ PVEP nhiệm kỳ 2012-2017?


Chủ tịch Công đoàn PVEP Nguyễn Văn Cư

Ông Nguyễn Văn Cư: Có thể nói giai đoạn 2012-2017 là giai đoạn đặc biệt khó khăn của PVEP. Một số nguyên nhân khách quan có thể kể đến như kinh tế thế giới suy thoái; xu hướng giá dầu xuống thấp, kéo dài; sự bất ổn chính trị ở các nước TCT đầu tư dự án… đã tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của TCT cũng như đời sống NLĐ. Cụ thể như việc dừng giãn các dự án thăm dò dầu khí khiến lượng công việc trong lĩnh vực thăm dò khai thác giảm, giá dầu thấp làm cho tài chính các doanh nghiệp dầu khí eo hẹp… ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, việc làm của NLĐ PVEP.

Nắm bắt được tình hình trên, Ban Chấp hành CĐ PVEP đã đến từng đơn vị để trao đổi trực tiếp với NLĐ. Từ đó, chúng tôi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) PVEP là “cảm thông, sẵn sàng sẻ chia với khó khăn chung của TCT”. Từ đó, chúng tôi đã thống nhất tư tưởng, thể hiện quyết tâm “không buông bỏ bất cứ NLĐ nào”. Toàn thể CBCNV PVEP đã chấp thuận giảm lương, hạ phụ cấp đồng thời tự giác thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, đi công tác bằng máy bay giá rẻ… Những hành động thiết thực và rất nhân văn này đã giúp lãnh đạo PVEP đã có thêm một phần tài chính để xoay xở đưa tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi giá dầu xuống dưới 40USD/thùng.

Với tâm niệm rằng, cán bộ CĐ PVEP phải luôn giữ vai trò là cầu nối giữa lãnh đạo đơn vị và NLĐ. Chúng tôi luôn nỗ lực “giữ nhịp” để NLĐ TCT gắn bó, đồng hành dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc và CĐ ngành Dầu khí. Những năm qua, CĐ PVEP luôn tích cực, chủ động tham gia công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ tập trung vào mục đích làm sao để NLĐ ngày càng tin yêu, gắn bó với PVEP hơn.

PV: Từ đâu PVEP có sự đồng thuận cao như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cư: Đối với một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như PVEP, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được CĐ PVEP đặt ra là phải làm tốt công tác tuyên truyền. Bởi thực tế NLĐ không phải ai cũng biết hết thông tin nên không hiểu rõ khó khăn của TCT. Thế nên, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền thì có khi sẽ chịu hiệu ứng ngược. Nhiều khi, cán bộ CĐ nói thì anh em tin tưởng ngay, nhưng nếu là lãnh đạo các phòng, ban thì chưa chắc.

Tôi cũng là người đã tham gia trực tiếp công tác quản lý của TCT, nắm bắt rất rõ những thuận lợi, khó khăn của PVEP nên trong các buổi tọa đàm đã liên tục thuyết phục NLĐ PVEP hiểu là trong thời gian tới, nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề như hoạt động hiệu quả khi giá dầu thấp, giảm thiểu chi phí sản xuất… thì NLĐ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp việc làm, thu nhập. Phân tích như vậy thì NLĐ sẽ thông, khi thông rồi thì lãnh đạo TCT đưa ra chính sách mới phù hợp thì anh em sẽ đồng thuận và thực hiện ngay.

Đây có thể nói là kinh nghiệm xương máu đối với hoạt động CĐ, không chỉ của PVEP mà còn của rất nhiều đơn vị trong ngành Dầu khí. Bất cứ vấn đề gì trong doanh nghiệp đều không thể không liên quan đến NLĐ, khi đó CĐ phải biết trước, cùng trao đổi để tìm ra giải pháp tối ưu, sau đó mới bắt đầu triển khai. Nói một cách đơn giản hơn là “nói phải củ cải cũng nghe”, lúc khó khăn thì NLĐ phải chia sẻ, đến khi thuận lợi thì chúng tôi sẽ kiến nghị trở lại về chế độ chính sách phù hợp cho anh em.

PV: Với vai trò Chủ tịch CĐ PVEP, ông có nhận định như thế nào về những khó khăn, thách thức của PVEP phải đối diện thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Cư: Trong nhiệm kỳ tới, CĐ PVEP nhận định, TCT sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, giá dầu vẫn ở mức thấp sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCT và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của NLĐ PVEP.

Thứ hai, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVEP sẽ thực hiện tái cấu trúc và cổ phần hóa từ 2018 đến 2020. Trong đó, về đầu tư thì dự án nào hiệu quả cao sẽ tập trung đẩy mạnh tốc độ triển khai, dự án nào hiệu quả thấp sẽ dừng, giãn. Còn dự án nào không hiệu quả thì xem xét chấm dứt. PVEP tái cấu trúc, đồng thời CĐ PVEP cũng phải tái cấu trúc lại tổ chức, giảm quy mô, giảm lượng công đoàn viên tương ứng.

Thứ ba, khi tái cấu trúc xong thì nhân lực, nguồn lực lao động trong PVEP sẽ có sự thay đổi rất lớn. Khi đó, TCT phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ trình độ của NLĐ, sẽ có những sắp xếp lại vị trí cho phù hợp… Với một đội ngũ NLĐ tinh nhuệ hơn sẽ đòi hỏi tổ chức CĐ phải có trình độ cao hơn mới có thể đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh mới. Nắm bắt được vấn đề này nên cán bộ CĐ PVEP phải luôn là người đi đầu nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nắm bắt các vấn đề thực tế từ các đơn vị trực thuộc đến TCT. Chúng tôi xác định công đoàn là tổ chức tiên phong sát cánh với lãnh đạo TCT thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc PVEP hiệu quả hơn, phát triển ổn định hơn.


Vận chuyển hàng lên giàn

PV: Vậy CĐ PVEP sẽ có những giải pháp gì để hoạt động hiệu quả hơn, để cùng TCT vượt qua những thách thức nêu trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cư: Những thách thức trên yêu cầu CĐ PVEP phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đầu tiên, các cán bộ CĐ phải làm tốt công tác tư tưởng, hiểu rõ về tái cấu trúc, cổ phần hóa của PVEP là như thế nào, phải thực hiện các bước cụ thể ra sao… Và điều quan trọng, khi đề án tái cấu trúc của TCT được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì CĐ phải làm sao để người lao động hiểu được tái cấu trúc là để tồn tại và phát triển phù hợp với bối cảnh mới. Không tái cấu trúc, không cổ phần hóa, xóa bỏ những hạn chế thì nguy cơ trì trệ, dẫn tới phá sản là rất có thể xảy ra. CĐ PVEP phải đả thông tư tưởng NLĐ để luôn nỗ lực đồng hành với lãnh đạo PVEP thực hiện công tác tái cấu trúc của TCT.

Song hành với nhiệm vụ đó, CĐ PVEP sẽ động viên NLĐ phải trau dồi kiến thức, bằng mọi cách nâng cao trình độ để luôn sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu công việc với áp lực cạnh tranh lớn hơn, hiệu quả cao hơn.

Cuối cùng, CĐ cũng sẽ tích cực tham gia vào công tác tái cấu trúc của TCT, chúng tôi sẽ luôn bảo vệ quyền lợi của NLĐ, kể cả với những người phải ra đi. Bất cứ CBCNV nào phải chấm dứt hợp đồng lao động thì chúng tôi cũng cam kết đảm bảo quyền lợi cho anh em theo đúng quy định pháp luật, quy chế của TCT.

Có thể thấy rằng, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng PVEP luôn nỗ lực không ngừng. Chúng tôi không cắt giảm lao động như những doanh nghiệp khác mà cố gắng san sẻ, bố trí, sắp xếp việc làm, ổn định đời sống cho NLĐ. Trải qua nhiều gian nan thử thách, CĐ PVEP sẽ luôn cố gắng xứng đáng là điểm tựa vững chắc của NLĐ, cùng toàn thể CBCNV PVEP bước vào một nhiệm kỳ mới với mục tiêu ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lượt truy cập: 200