Thế giới sẽ nhận cú sốc nguồn cung Dầu?

01/04/2022

Trong Báo cáo thị trường dầu hằng tháng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể mất 3 triệu thùng mỗi ngày từ Nga kể từ tháng 4-2022 do các lệnh trừng phạt.

Ngay cả khi nhu cầu dầu tăng chậm cũng không bù đắp được nguồn cung bị mất từ Nga

Hai tuần trước, Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Vương quốc Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Mặc dù châu Âu chưa áp đặt trừng phạt, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng “quay lưng” với dầu Nga.

Theo ước tính của J.P. Morgan, tính đến tuần trước, có tới 66% các lô hàng giao ngay bằng đường biển của Nga đang phải chật vật để tìm người mua.

Việc Nga tấn công Ukraine diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đang thắt chặt nguồn cung, tồn kho dầu tại các nền kinh tế OECD giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm gần đây, xuống tới mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Giải pháp trước mắt có thể giúp bù đắp nguồn cung dầu bị mất từ Nga nằm ở hai thành viên có tầm ảnh hưởng nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, cả Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đều từ chối lấp đầy khoảng trống nguồn cung dầu mà Nga để lại.

Mới đây, UAE đã khiến thị trường bối rối với những thông điệp có phần mâu thuẫn rằng, UAE ủng hộ việc bổ sung thêm nguồn cung. Sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Suhail al Mazrouei tái khẳng định UAE sẽ bám sát kế hoạch sản lượng của OPEC.

Mặt khác, nếu Arập Xêút và UAE khai thác nguồn dự trữ, khả năng công suất dự phòng toàn cầu cũng sẽ rất mỏng manh.

Nhiều người băn khoăn về việc sản lượng dầu đá phiến Mỹ không tăng, dù đã được Nhà Trắng “bật đèn xanh”. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cũng đã thúc giục các công ty Mỹ tăng nguồn cung ngắn hạn một cách có trách nhiệm nhằm ổn định thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các gia đình Mỹ.

Các nhà khai thác dầu đá phiến đã nói về độ trễ từ lúc khoan dầu tới khi thu được giọt dầu đầu tiên, cũng như do nhiều năm thiếu đầu tư, vốn, chính sách không khuyến khích ngành công nghiệp dầu mỏ và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

J.P. Morgan cho biết: Ngay cả khi khai thác dầu đá phiến phản ứng với tín hiệu giá, cũng không thể tăng hơn 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay do những hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, IEA nói rằng, triển vọng về dầu bổ sung từ Iran cũng có thể mất vài tháng, đồng thời cho biết Iran có thể tăng xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian 6 tháng nếu đạt được thỏa thuận.

Mới đây, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu xuống 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2022. Tổng nhu cầu có thể tới 99,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022, tăng 2,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 78