OPEC+ có coi việc giải phóng nguồn dầu dự trữ chiến lược khủng của Mỹ là một hành động tuyệt vọng

01/04/2022

CNBC ngày 31/3/2022 đưa tin và bình luận về việc hôm Thứ Năm, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định duy trì chiến lược tăng dần nguồn cung sau khi có thông tin về việc Mỹ đang xem xét mức giải phóng dầu lớn nhất từ ​​trước đến nay từ nguồn dự trữ dầu chiến lược (SPR) của mình. OPEC+ đã nhanh chóng nhất trí nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5/2022.

OPEC+ quyết định mức tăng sản lượng khiêm tốn. Ảnh: Tư liệu.

Các nhà phân tích năng lượng đã dự đoán rộng rãi ​​từ trước về việc OPEC+ sẽ thông qua mức tăng khiêm tốn hàng tháng mặc dù có áp lực liên tục từ một số nước tiêu thụ dầu hàng đầu kêu gọi nhóm này bơm thêm dầu để hạ nhiệt giá dầu tăng cao và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Giá dầu đã tăng lên mức cao gần như cao nhất mọi thời đại do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung của Nga sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt một loạt các biện pháp cấm vận kinh tế. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sang các thị trường toàn cầu. Nga cũng là một nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn.

Trong bối cảnh đó, Mỹ đang xem xét kế hoạch hạ nhiệt giá dầu thô tăng vọt bằng cách giải phóng tới 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu chiến lược của mình. Động thái này sẽ đánh dấu lần thứ ba Mỹ khai thác SPR của mình trong sáu tháng và lần thứ hai kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Van khóa ống dẫn dầu tại kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ở Freeport, Texas. Ảnh: Reuters/Richard Carson/Tư liệu.

Giá dầu giảm mạnh khi có tin này. Giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế giao dịch thấp hơn 5% ở mức 107,69 USD/thùng vào chiều thứ Năm tại London, trong khi giá dầu WTI tương lai của Mỹ giảm 5,4% xuống 101,96 US.

Sốc nguồn cung

Hôm thứ Tư, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã khuyến khích các thành viên của nhóm, bao gồm cả Nga, “đi đúng hướng” và “luôn cảnh giác và chú ý đến các điều kiện thị trường luôn thay đổi”. OPEC+ đang trong quá trình giải quyết việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục khoảng 10 triệu thùng/ngày, đưa ra tháng 4/2020 do đại dịch Covid. OPEC+ đã nâng mục tiêu sản lượng lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Mục tiêu sản lượng sẽ tăng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm tới.

Mức 32.000 thùng/ngày cao hơn mức thỏa thuận ban đầu 400.000 thùng/ngày là do sự thay đổi định mức cơ sở của 5 thành viên. Hạn ngạch sản xuất của Ả Rập Xê Út đã được nâng lên 10,549 triệu thùng/ngày, với hạn ngạch của Nga cũng được nâng lên mức tương tự. Hạn ngạch của UAE là 3,04 triệu thùng/ngày, Kuwait là 2,694, trong khi của Iraq là 4,461 triệu thùng/ngày. OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 5/5/2022.

Hôm thứ Năm, Giám đốc cấp cao về kinh tế thị trường của Emirates NBD Edward Bell cho rằng thị trường đang không được cung đủ và sẽ có một cú sốc nguồn cung đáng kể trong thời gian còn lại của năm 2022. Bối cảnh hiện nay sẽ không thúc đẩy OPEC+ cố gắng tăng quy mô sản xuất dầu với tốc độ nhanh hơn, đặc biệt là khi Mỹ xem xét việc giải phóng lên tới 180 triệu thùng từ SPR. Việc giải phóng nguồn dầu dự trữ của Mỹ có thể giúp OPEC+ đưa ra thông điệp rằng “Chà, nhìn kìa, có sẵn dầu ở đó, bạn có thể lấy ra từ nguồn dự trữ.”

"Hành động tuyệt vọng"

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ sẽ giữ chính trị ở bên ngoài quyết định vì “lợi ích chung” là ổn định giá năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei nói với CNBC vào đầu tuần này rằng Nga sẽ luôn là một phần của OPEC+.

Một cơ sở dầu khí tại Surgut, Khu vực Tự trị Khanty-Mansi, Yugra, trong bể dầu Tây Siberia, Nga. Ảnh: Alexei Andronov/Tass via Getty Images.

Tamas Varga, một chuyên gia phân tích tại PVM Oil Associates, cho biết triển vọng về một đợt giải phóng dầu SPR lớn là một trong hai công cụ có sẵn để cung cấp thêm nguồn cung trong thời gian ngắn. Nguồn còn lại có thể là sự quay trở lại của dầu Iran sau thỏa thuận hạt nhân Iran. Tams Varga cho rằng hiện tại, việc giải phóng nguồn dầu dự trữ chiến lược lớn “có vẻ như là một hành động tuyệt vọng có thể hiểu được, nhưng với một kết quả đáng hoài nghi”.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển Nhóm G7 đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung, kêu gọi các nước sản xuất dầu và khí đốt hành động có trách nhiệm và tăng cường giao hàng ra thị trường quốc tế, trong đó OPEC có vai trò chủ chốt. G7 sẽ làm việc với OPEC và tất cả các đối tác để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định và bền vững./.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 74